Bạn không có sản phẩm nào trong giỏ hàng của bạn.
Nhạc lý từ abc đến xyz!
Nhóm Quê Hương
LỜI NÓI ĐẦU
Trong khi đọc xướng âm, học viên được hướng dẫn học từ cái dễ đến cái khó, từ cái đơn giản đến cái phức tạp. Lý thuyết âm nhạc cũng được đưa vào tuần tự, mỗi lần một ít, tuỳ theo đòi hỏi của bài xướng âm cũng như tuỳ theo thời giờ cho phép.
Khi hướng dẫn học phần lý thuyết song song với xướng âm, không nên học hết mọi điểm như được ghi theo thứ tự trong sách này. Nhưng điểm nào dễ hiểu, cần thiết, chúng ta học trước, những gì khó hiểu, phức tạp, chúng ta sẽ trở lại sau.
Đề nghị:
- Xướng âm I học các chương I, II, III, IV,
- Xướng âm II học các chương V, VI, VII, VIII,
- Xướng âm III học các chương IX, X, XI, XII.
Tuy nhiên nếu cần, vẫn có thể thảy đổi các chương, hoặc học trước một số điểm có trong các chương sau. Các học viên vẫn có thể đọc trước các chương để có cái nhìn tổng quát về môn học. Sau mỗi chương đều có những tiểu đề để ôn tập.
Vì soạn ra để dạy kèm với môn xướng âm, nên chắc chắn còn nhiều thiếu sót, mong được sự góp ý của bạn đọc.
CHƯƠNG MỞ ĐẦU
KHÁI NIỆM TỔNG QUÁT
1. Muốn hiểu ngôn ngữ viết, tối thiểu ta phải biết đánh vần, đọc chữ. Tương tự như vậy, muốn xem và hiểu một bản nhạc, ta cũng phải hiểu được các ký hiệu âm nhạc, và biết xướng âm. Có thể nói Nhạc pháp (gồm nhạc lý và xướng âm) là cửa ngõ dẫn vào âm nhạc.
2. Âm nhạc là một bộ mộn nghệ thuật dùng âm thanh để diễn đạt tình ý của con người. Nó được chia ra hai loại chính, đó là thanh nhạc và khí nhạc. Thanh nhạc là âm nhạc dựa trên lời ca, nên ý tưởng và tình cảm cụ thể và rõ ràng. Còn khí nhạc là âm nhạc dựa trên âm thanh thuần tuý của các nhạc cụ, nên trừu tượng, nó gợi ý, gây cảm giác hơn là nói lên một tình cảm nào rõ rệt. Cần phải học hỏi nhiều hơn mới lĩnh hội được.
3. Nghệ thuật là kết quả của hoạt động của con người biết dùng các phương tiện khả giác một cách khéo léo, tài tình, để thông đạt tình ý của mình. Trong âm nhạc, các phương tiện đó là âm thanh. Do đó, âm nhạc chủ yếu làm cho tai nghe. Muốn thưởng thức âm nhạc, phải nghe thực thụ chứ xem bằng mắt thì chưa đủ.
4. Âm thanh dùng trong âm nhạc thường có bốn đặc tính này :
4.1. Cao thấp (cao độ)
4.2. Ngắn dài (trường độ)
4.3. Mạnh nhẹ (cường độ)
4.4. Đục trong, sáng tối … (âm sắc).
Thiếu một trong các đặc tính trên thì chỉ là tiếng động. Hiện nay người ta dùng nhiều tiếng động khác nhau trong âm nhạc, nhằm tăng cường mức độ diễn cảm cũng như tính tiết tấu của âm nhạc. Đó là các nhạc cụ thuộc bộ gõ như trống con, trống cái, phách, maracas, triangle, cymbal …
5. Ký hiệu âm nhạc là toàn bộ các dấu hiệu cũng như chữ viết được dùng để ghi lại âm thanh với các đặc tính của chúng. Môn ký âm là ghi âm thanh lại bằng các ký hiệu âm nhạc trên giấy mực.