Bạn không có sản phẩm nào trong giỏ hàng của bạn.
Các dấu thăng, dấu giáng và dấu bình: cách đọc và cách sử dụng.
Khi dạy nhạc lý cơ bản, người ta nói rằng chỉ có 7 tên nốt nhạc, là Đô, Rê, Mi, Pha, Xon, La, Xi.
7 tên nốt này tương ứng với 7 nốt được gọi là 7 nốt tự nhiên.
Người ta nói rằng khoảng cách về bán cung giữa các nốt này là không bằng nhau: các khoảng cách 2 bán cung (tức 1 nguyên cung, 1 toàn cung) là giữa Đô và Rê, Rê và Mi, Pha và Xon, Xon và La, La và Xi; các khoảng cách 1 bán cung (tức 1 nửa cung) là giữa Mi và Pha, Xi và Đô.
Thế thì “bán cung”, “toàn cung” là cái quỷ gì? Giải thích ra thì hơi dài dòng, vì có liên quan đến toán học và vật lý học, có một bài viết cụ thể ở đây. Tuy nhiên, một cách dễ hiểu khi nhìn cái cần của đàn guitar, thì bán cung là khoảng cách giữa hai phím đàn liên tiếp, và toàn cung thì gấp đôi bán cung, tức là khoảng cách giữa hai phím đàn mà cách nhau bằng một phím ở giữa; nếu nhìn một cây sáo, thì khoảng cách các lỗ không bằng nhau, có những khoảng cách dài khoảng gấp đôi khoảng cách khác, khoảng gấp đôi đó gọi là nguyên cung, và khoảng ngắn hơn thì gọi là bán cung.
Các nốt tự nhiên, theo thứ tự lên cao liên tiếp hoặc đi xuống liên tiếp, được biểu diễn trên khuông nhạc bằng các vị trí khe và đường kẻ liên tiếp nhau, hết khe lại đến đường kẻ, hết đường kẻ lại đến khe. Các vị trí khe hay đường kẻ này được gọi là các vị trí khuông nhạc (staff position). Các khoảng cách giữa hai vị trí khuông nhạc của hai nốt tự nhiên liên tiếp nhau thì cách đều nhau, từ khe đến đường kẻ thì cũng giống như từ đường kẻ đến khe, bất chấp hai nốt là Đô và Rê hay Mi và Pha. Điều này khác với các khoảng cách bán cung thật khác nhau giữa các nốt tự nhiên như đã nói ở trên.
Hơn nữa, trong khi khoảng cách tính theo bán cung giữa hai nốt tự nhiên nào đó là 2 bán cung, có thể chen được một nốt nhạc không phải tự nhiên vào giữa, thì trên khuông nhạc, khoảng cách giữa hai vị trí khuông nhạc của hai nốt tự nhiên đó lại không còn chỗ để biểu diễn nốt không tự nhiên nào nữa.
Để khắc phục sự bí lối cùng đường đó (mình không hiểu lý do vì sao người ta lại tự làm khó cho chính họ như thế, có thể là hy sinh sự dễ hiểu để phục vụ sự ngắn gọn chăng?), người ta mới mượn luôn vị trí khuông nhạc của các nốt tự nhiên để biểu diễn các nốt không tự nhiên.
Nếu người ta muốn biểu diễn một nốt không tự nhiên mà nằm giữa hai nốt tự nhiên cách nhau 2 bán cung (1 nguyên cung), nốt này cách nốt tự nhiên trên 1 bán cung và cách nốt tự nhiên dưới 1 bán cung, người ta sẽ mượn tên và vị trí khuông nhạc của nốt tự nhiên trên, viết kèm thêm chữ “giáng” (flat), hoặc người ta sẽ mượn tên và vị trí khuông nhạc của nốt tự nhiên dưới, viết kèm thêm chữ “thăng” (sharp). Tức là để biểu diễn chỉ một nốt không tự nhiên ở giữa hai nốt tự nhiên cách nhau 2 bán cung, người ta dùng 2 cách viết, về ý nghĩa thì không khác gì nhau, hay nói cách khác là một nốt mà có 2 tên. Ví dụ, nốt Đô và nốt Rê là hai nốt tự nhiên cách nhau 2 bán cung, và nốt không tự nhiên mà nằm giữa hai nốt này, cách đều nốt Đô và nốt Rê 1 bán cung, thì được biểu diễn là Đô thăng, hoặc Rê giáng.
Đó là lý do vì sao người ta cũng gọi các nốt không tự nhiên này là các nốt thăng giáng.
Để cho ngắn gọn hơn nữa, chữ “thăng” được thay bằng dấu thăng, và chữ “giáng” được thay bằng dấu giáng. Các dấu thăng, dấu giáng và dấu bình (sẽ nói ở phía sau) được gọi chung là các dấu hóa, bởi vì chúng “biến hóa” cao độ của các nốt tự nhiên, hướng dẫn cho người đọc nhạc cách hiểu một nốt tự nhiên phải khác đi như thế nào.
Khi một dấu thăng hoặc một dấu giáng làm biến đổi cách hiểu của một tên nốt tự nhiên như thế, ta có thể nói là dấu thăng hoặc dấu giáng đang ảnh hưởng lên (tên) nốt tự nhiên đó.
Tầm ảnh hưởng của dấu hóa theo chiều ngang và dọc quy định loại dấu hóa theo khóa và dấu hóa bất thường.
Nếu người ta muốn thăng hay giáng một nốt tự nhiên nào đó suốt trên nhiều quãng tám (chiều dọc) và suốt bản nhạc hay suốt một đoạn nhạc (chiều ngang), người ta dùng dấu hóa theo khóa.
Dấu hóa theo khóa giúp việc viết nhạc trở nên ngắn gọn hơn, thay vì trước mọi nốt tự nhiên cùng tên lại cứ phải viết một dấu hóa, người ta chỉ cần viết nó một lần, và người đọc phải tự hiểu lấy.
Về tầm ảnh hưởng chiều dọc, dấu hóa theo khóa chỉ nằm ở một vị trí khuông nhạc đại diện của một nốt tự nhiên ở một quãng tám nào đó, nhưng ảnh hưởng đến hết tất cả các nốt tự nhiên cùng tên ở tất cả các quãng tám khác. Ví dụ, nếu một dấu thăng theo khóa nằm ở đường kẻ chính 5, là vị trí của nốt tự nhiên Pha 5, thì nó ảnh hưởng không những đến nốt Pha 5, mà cả đến nốt Pha 0, Pha 1, Pha 2, Pha 3, Pha 4, Pha 6, vân vân và đều biến các nốt này thành các nốt Pha thăng.
Về tầm ảnh hưởng chiều ngang, dấu hóa theo khóa ảnh hưởng đến toàn bộ các nốt tự nhiên cùng tên mà nó ảnh hưởng kể từ phía sau nó cho đến hết bản nhạc hoặc cho đến khi có một hóa biểu khác.
Tuy nhiên (lại tuy nhiên, rất khó chịu ), dấu hóa theo khóa sẽ bị mất ảnh hưởng trên một số nốt nào đó bởi vì các nốt đó lại bị ảnh hưởng bởi dấu hóa bất thường.
Về hình dạng, dấu hóa bất thường chẳng khác gì dấu hóa theo khóa. Nhưng, tầm ảnh hưởng của nó hẹp hơn của dấu hóa theo khóa.
Về tầm ảnh hưởng chiều dọc, dấu hóa bất thường chỉ ảnh hưởng đến các nốt tự nhiên mà có vị trí khuông nhạc giống với nó. Ví dụ, nếu dấu thăng bất thường nằm ở khe chính 1, thì nó chỉ biến các nốt Pha 4 thành các nốt Pha 4 thăng, còn các nốt Pha khác, ở các quãng tám khác, thì không bị nó ảnh hưởng.
Về tầm ảnh hưởng chiều ngang, dấu hóa bất thường chỉ ảnh hưởng đến các nốt tự nhiên kể từ ngay phía sau nó cho đến khi hết ô nhịp mà nó nằm trong đó, hoặc cho đến khi trường độ nốt kết thúc, hoặc một dấu hóa bất thường khác xuất hiện ở cùng vị trí khuông nhạc, ở cùng ô nhịp. Ví dụ, nếu dấu thăng bất thường nằm ở khe chính 1, thì nó ảnh hưởng đến tất cả các nốt Pha 4, kể từ nốt Pha 4 nằm ngay phía sau nó, cho đến nốt Pha 4 cuối cùng của ô nhịp mà dấu thăng bất thường này nằm trong đó; nếu nốt Pha 4 cuối cùng của ô nhịp này lại có trường độ kéo dài sang các ô nhịp phía sau (do dấu nối trường độ), toàn bộ trường độ này vẫn chịu ảnh hưởng của dấu thăng bất thường này; khi trường độ này chấm dứt, ảnh hưởng của dấu thăng bất thường này cũng chấm dứt.
Khi một dấu hóa bất thường hết ảnh hưởng, các nốt sau đó lập tức chịu lại ảnh hưởng của dấu hóa theo khóa.
Một nốt có bị ảnh hưởng bởi nhiều dấu hóa một lúc hay không?
Theo như mình biết (có thể biết sai ) thì một dấu hóa ảnh hưởng đến một nốt tự nhiên như thể nốt đó chưa hề bị ảnh hưởng bởi bất cứ dấu hóa nào trước đó, tức là một nốt tự nhiên chỉ chịu ảnh hưởng bởi chỉ một dấu hóa gần phía trước nó nhất, hoặc là không chịu ảnh hưởng của dấu hóa nào, vào bất cứ lúc nào. Ví dụ, nếu một nốt tự nhiên Xon đã chịu ảnh hưởng của một dấu hóa theo khóa, thành nốt Xon thăng, nay lại đặt một dấu giáng bất thường trước nó, vậy thì nốt nhạc đó lại thành nốt Xon giáng; nếu dấu hóa bất thường thay vào đó lại là dấu thăng, thì cái nốt ở vị trí khuông nhạc của nốt Xon tự nhiên đó lại trở thành nốt Xon thăng. Tóm lại, các dấu hóa không có ảnh hưởng cộng gộp hay trừ nhau lên một nốt tự nhiên.
Về dấu bình (còn gọi là dấu hoàn), nó cũng có tầm ảnh hưởng theo chiều dọc và chiều ngang, cũng có dấu theo khóa và dấu bất thường giống như các dấu thăng và dấu giáng. Tác dụng của nó khi ảnh hưởng đến các nốt là “thấy thế nào thì thực chất là thế ấy”, nghĩa là nốt ở vị trí khuông nhạc nào thì đúng là nốt tự nhiên ở vị trí ấy, bất chấp trước đó đã có dấu hóa gì đi nữa. Ví dụ, có một nốt nằm ở đường kẻ chính 2, và dấu thăng theo khóa cũng nằm ở đường kẻ chính 2; bây giờ, ngay phía trước nó có một dấu bình bất thường, vậy thì nó thực chất đúng là nốt Xon 4, giống như đường kẻ chính 2 vốn đã quy định như thế.
Một số ví dụ lạ mắt nhưng vẫn hợp quy luật:
Một nốt đã chịu ảnh hưởng của dấu thăng theo khóa, và đã là nốt thăng rồi, nay người ta lại đặt một dấu thăng bất thường trước nó nữa: nốt đó đã vẫn là nốt tự nhiên, rồi biến thành nốt thăng một lần, chứ không phải nốt đó được thăng lên hai lần. Người ta “lẩm cẩm” như thế ở trong trường hợp sau: nhắc nhở người chơi nhạc nhớ chơi lại nốt thăng như cũ, như ảnh hưởng của dấu thăng theo khóa, sau khi một nốt chịu ảnh hưởng của dấu giáng bất thường hay dấu bình bất thường trước đó kết thúc trường độ dài của nó qua nhiều ô nhịp.
Phía trước một nốt có đến hai dấu hóa bất thường đứng liên tiếp nhau: một dấu bình bất thường rồi đến một dấu thăng bất thường: trường hợp này cũng chỉ tương đương với một dấu thăng bất thường mà thôi. Người viết nhạc chỉ muốn kỹ lưỡng nhắc nhở người chơi nhạc rằng không có hiện tượng nhiều dấu hóa tác động cộng gộp hay trừ nhau cùng lúc lên một nốt tự nhiên: Muốn thăng một nốt thì trước tiên dùng dấu bình bất thường để đưa nó về nốt tự nhiên (bất kể trước đó nó có bị dấu hóa gì ảnh hưởng đi chăng nữa), sau đó dấu thăng bất thường đưa nốt tự nhiên thành nốt thăng.
Đã viết xong nhưng vẫn chưa an tâm vì còn thấy dài dòng quá, xin được tiếp nhận thắc mắc hay góp ý của bạn đọc